Làng Nghề Truyền Thống Đúc Đồng Quảng Bố

Làng nghề đúc đồng Quảng Bố (hay còn gọi là làng Vó) là một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

 

Vị Trí Địa Lý

Thôn Quảng Bố nằm dọc Tỉnh lộ 284 phía Đông giáp thôn Phú Thọ (làng Cao), phía Tây giáp thôn Đại Bái (làng Bưởi), phía Bắc giáp thôn Quỳnh Bội (làng Bũi), phía Nam giáp thôn Ngọc Xuyên. Thôn Quảng Bố còn được gọi với cái tên dân gian là làng Vó, ngày xưa vốn thuộc huyện Lang Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.

Trải qua nhiều thời đại, người dân trong làng đã xây dựng và phát triển danh tiếng của làng nghề đúc đồng truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề rất tinh xảo và đa dạng, đã in dấu trên mọi miền đất nước.

 

Nguồn Gốc Nghề Đồng

Nghề “nặn khuôn đúc đồng” làng Vó có từ lâu đời. Vào thời Lý, có ông Nguyễn Công Nghệ, người làng Vó xuất thân từ nhà Nho nghèo, vốn cần cù, thông minh, ông đã chăm chỉ đèn sách, thi đỗ và được bổ một chức quan trong Bộ công. Có lần về thăm quê, thấy dân lam lũ làm ăn mà vẫn nghèo đói, ông bèn giúp dân mở lò làm nghề đúc đồng. Sau đó, ông từ quan về quê giúp dân mở mang nghề đúc đồng để trả ơn sâu nghĩa nặng với dân làng.

Vì hành động từ quan nên ông bị triều đình bãi chức và không ghi vào sử sách của nhà nước. Ông mất tại quê nhà năm Kỷ Mùi khi mới 36 tuổi. Dân làng Vó nhớ ơn, tôn ông là vị tổ sư, hàng năm cúng giỗ vào ngày 23 tháng 8 Âm lịch và tôn thờ vị tổ sư tại đình làng.

 

Công Nghệ Sản Xuất

Phương pháp đúc đồng ở làng Vó là đúc định hình bằng khuôn vắtkhuôn phá. Nghĩa là sau khi đúc sẽ được ngay sản phẩm. Người thợ chỉ tiến hành các khâu gia công nguội để sản phẩm được hoàn chỉnh, trong khi đó sản phẩm đúc đồngĐại Bái là những tấm đồng, sau đó người thợ tiến hành các bước gò, dát thành những sản phẩm theo ý muốn.

Chính với kỹ thuật riêng, khiến truyền thống đúc đồng làng Vó được thể hiện đặc trưng tiêu biểu ở khâu nặn khuôn, đắp lò, nấu đồng, kỹ thuật đổ khuôn và các khâu gia công nguội.

Sản phẩm của làng Vó được đánh giá là tinh xảo và đa dạng, nhưng nổi tiếng là sản phẩm đồng về cơ khí của làng hiện đã có mặt ở khắp các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, dưới dạng cung cấp những sản phẩm thô cho các tập đoàn, công ty lớn trong ngành cơ khí của Việt Nam. 

Do là làng nghề sản xuất các sản phẩm là chi tiết máy móc, sử dụng trong các ngành cơ khí, chế tạo nên hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh trong làng đều sản xuất mặt hàng chuyên biệt khác nhau.

Chính vì vậy, vừa phát huy được năng lực sản xuất riêng của từng gia đình lại vừa khiến sản phẩm của các hộ sản xuất nơi đây đạt độ tinh xảo cao hơn. Có gia đình chuyên sản xuất các loại đồ thờ và các đồ trang trí bằng đồng, có gia đình chuyên sản xuất ốc vít, bản lề bằng đồng, có người lại chuyên sản xuất khoá, van nước bằng đồng…

Ước chừng số hộ gia đình tham gia vào nghề sản xuất cơ khí từ đồng chiếm đến 75% tổng hộ gia đình trong toàn thôn.

 

Các Sản Phẩm Của Làng Nghề

         

Hiện nay, nghề đúc đồng truyền thống của làng Vó phát triển cả về số lượng và chất lượng với hàng trăm công ty, mở rộng thị trường kinh doanh, sản xuất. Từ một làng quê nghèo, người dân lam lũ trong làm ruộng cũng như làm thợ, đến nay Quảng Bố đã trở thành một làng nghề trù phú của huyện Lương Tài.

Người thợ của làng có ở nhiều địa phương khác nhau, đặc biệt là ở Hà Nội đã trở nên giàu có, nhiều người đã trở thành doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Càng tự hào với lịch sử truyền thống của quê hương, của nghề đúc đồng, ngày nay, người dân làng Vó đã mang sức lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, xứng đáng là một làng nghề tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Mỹ tục khả phong”.

Nguồn: phukiensongtoan.com

 

0/5 (0 Reviews)
Bài viết khác